Du lịch địa chất đang là hướng đi mới trong sự phát triển của ngành du lịch, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.
Quảng Ngãi có cụm đảo núi lửa Lý Sơn - Ba Làng An được hình thành qua nhiều giai đoạn phun trào tiếp sau quá trình tách giãn, hình thành biển Đông cách ngày nay hàng chục triệu năm
Các vùng địa chất núi lửa tỉnh Quảng Ngãi
Cũng như các vùng núi lửa tuổi Neogen - Đệ Tứ trên lãnh thổ Việt Nam, Quảng Ngãi có cụm đảo núi lửa Lý Sơn - Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) được hình thành qua nhiều giai đoạn phun trào tiếp sau quá trình tách giãn, hình thành biển Đông cách ngày nay hàng chục triệu năm.
Vùng núi lửa Lý Sơn - Ba Làng An có thể đại diện cho hoạt động phun trào Neogen - Đệ Tứ ở Việt Nam. Nhưng hơn thế nữa, do điều kiện phun trào núi lửa khu vực biển nông, thềm lục địa và chịu sự tác động mạnh mẽ của các hoạt động biển nên các vùng núi lửa trên còn mang các đặc điểm thiên nhiên địa chất độc đáo.
Trên một diện tích không rộng, nhưng phân bố rất đa dạng các loại hình núi lửa: núi lửa phun nổ (Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Sỏi...), núi lửa phun khí (Hòn Tai) trên đảo Lý Sơn; núi lửa phun trào (khu vực Tịnh Hòa, Bình Phú, Bình Hải - Gành Yến), núi lửa Ba Làng An của huyện Bình Sơn... Với đa dạng các loại đất đá tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau và đa dạng các loại hình di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan sinh thái núi lửa.
Đảo Lý Sơn được cấu thành từ các thành tạo trầm tích và phun trào nguồn núi lửa và đá bazan
Theo các nhà địa chất, đảo Lý Sơn được cấu thành từ các thành tạo trầm tích và phun trào nguồn núi lửa và đá bazan. Địa hình đảo tương đối bằng phẳng, độ phân cắt yếu, trên đó phát triển các ngọn núi lửa có độ cao khác nhau, miệng của chúng hiện vẫn thể hiện rõ trên địa hình.
Trên đảo Lớn có ít nhất 5 ngọn núi lửa, trong đó 2 ngọn đã bị san bằng một phần để canh tác nông nghiệp, 3 ngọn còn lại có độ cao từ 50 - 170m với hình dáng là các khối chóp cụt.
Miệng núi lửa Thới Lới hiện đã được đắp đập be lại thành hồ chứa nước. Ở phía tây đảo còn có 2 ngọn núi khác có kích thước nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần kỳ vĩ là núi Giếng Tiền và Hòn Sỏi. Tại vách lộ phía đông bắc của đảo (thắng cảnh Hang Câu) có các ngấn nước biển phân bố ở các mức độ khác nhau. Cù lao Bờ Bãi (đảo Bé) cũng là di tích của ngọn núi lửa trẻ.
Hệ thống núi lửa trên đảo Lý Sơn liên kết chặt chẽ với vùng sinh thái ven bờ Bình Châu có cấu tạo bởi núi lửa phun trào thành một quần thể có rất nhiều dạng núi lửa trên biển và ven biển cực kỳ đa dạng.
Thắng cảnh Hang Câu hấp dẫn du khách
Cùng với thời gian, sự xâm thực của nước biển kết hợp với sự kiến tạo của con người đã tạo nên những cảnh quan ngoạn mục, như trên đảo Lý Sơn có thắng cảnh Hang Câu (thắng cảnh cấp tỉnh), Chùa Hang (thắng cảnh cấp quốc gia), Chùa Đục (thắng cảnh cấp tỉnh), Cổng Tò Vò trên cạn, Cổng Tò Vò dưới nước,... khu vực Bình Châu và các vùng phụ cận cũng được tạo thành bởi sự phun trào núi lửa nên các danh thắng ở đây cũng mang dấu ấn của núi lửa như cột đá cổ Bình Châu; Gành Yến, mũi Tổng Binh ở xã Bình Hải...
Theo kết quả nghiên cứu, vùng biển Quảng Ngãi, mà nhất là quanh vùng có núi lửa hoạt động như đảo Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao, trên 700 loài động thực vật bao gồm 200 loài cá, 137 loài rong biển, 70 loài thân mềm, 157 loài san hô, 96 loài giáp xác, 7 loài cỏ biển.
Hệ sinh thái san hô quanh đảo là vành đai san hô phát triển chồng lên nhau, phân bố từ bãi triều trở xuống, phần dưới gần như hầu hết đã hóa đá, phần trên có san hô sống phát triển.
Hệ sinh thái ở đảo Lý Sơn đa dạng
Hệ sinh thái cỏ biển quanh đảo có 7 loài, 3 loài thuộc họ thủy tảo, 3 loài thuộc họ cỏ kiệu, phân bố gần như toàn bộ vùng biển nông ven đảo.
Hệ sinh thái rong biển quanh đảo có 4 ngành, 24 bộ, 45 họ và 137 loài, cao hơn hẳn so với Cù lao Chàm và Bãi Rạn (Quảng Nam). Nhiều loài có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn như: Rong đông, rong câu, rong chân vịt, rong mứt, rong lục. Những giá trị địa chấy núi lửa Quảng Ngãi là nguồn tài nguyên to lớn cho phát triển du lịch.
Giá trị di sản văn hóa trong khu vực núi lửa
Quảng Ngãi có dấu ấn văn hóa lâu đời, như văn hóa thời đồ đá cũ và mới, Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, văn hóa núi, đồng bằng và biển, đảo,... giao thoa, tiếp biến lẫn nhau một cách hết sức phong phú và đa dạng. Trong đó, các dấu ấn của văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 3.500 năm.
Từ thời điểm đó đến nay, các cộng đồng cư dân nối tiếp nhau sinh cơ lập nghiệp, lao động sáng tạo, đấu tranh với thiên nhiên, với ngoại xâm, để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý giá, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài ra, nhờ vào sự giao thương trên biển mà nơi đây còn nhiều di chỉ tàu đắm độc đáo vào bậc nhất thế giới.
Người dân canh tác trồng hành, tỏi trên nền đất núi lửa
Trong khu vực các miệng núi lửa Thới Lới và Giếng Tiền ở đảo Lý Sơn các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều công cụ lao động bằng đá của cư dân thời kỳ đồ đá mới cách đây 30.000 năm. Tiếp theo là các di chỉ của nền văn hóa Sa Huỳnh tại 2 di chỉ Xóm Ốc (thôn Đông An Vĩnh) và Suối Chình (dưới chân núi Thới Lới thôn Đông, An Hải) và di tích Bình Châu 1, Bình Châu 2, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Đây là những dấu tích quan trọng, là bằng chứng cho sự xuất hiện và tồn tại của cư dân Sa Huỳnh sinh tụ trong thời gian dài ở khu vực này.
Nối tiếp nền văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Chămpa, phát triển từ những năm đầu Công nguyên đến cuối thế kỷ XV. Dấu ấn để lại rõ nét nhất của nền văn hóa này là các di tích tín ngưỡng thờ nữ thần Thiên Y A Na ở thôn Tây (An Vĩnh), Đền thờ Thiên Y A Na ở thôn Đông (An Hải), miếu Bò thần Nadin, giếng Xó La, thờ cúng cá Ông,…
Tiếp nối là văn hóa Đại Việt, theo quá trình mở cõi của các triều đại phong kiến ngoài bắc vào, cư dân Việt dần định cư và khai khẩn làng mạc khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Rồi từ đất liền vùng Bình Châu, Bình Sơn những cư dân Việt đã tiến ra đảo Lý Sơn khai phá xung quan khu vực thềm núi lửa lập nên làng An Hải, làng An Vĩnh.
Phát huy giá trị du lịch địa chất núi lửa
Miền Trung là vùng đất có nhiều bãi biển đẹp nhất của cả nước với các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và cũng là nơi tập trung nhiều vịnh, đầm phá có cảnh quan đặc sắc để phát triển du lịch như: Đầm Cầu Hai, vịnh Lăng Cô, vịnh Xuân Đài, vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang; hệ thống các đảo ven bờ như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Hoàng Sa, Trường Sa,... có nhiều giá trị đặc biệt để phát triển du lịch. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn là nơi tập trung các giá trị văn hóa đặc sắc của cả nước, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, và nhiều làng nghề, lễ hội truyền thống rất nổi tiếng và hấp dẫn khách du lịch.
Đưa khách tham quan ở đảo Bé, Lý Sơn
Nhằm xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch liên vùng, phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, địa chất núi lửa gắn với các giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đã ký liên kết, hợp tác phát triển du lịch với Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là cấc tỉnh vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Lâm Đồng để phát huy lợi thế của mỗi địa phương tạo một lực mới cho sự phát triển của toàn vùng, đồng thời thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
Đoàn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khảo sát ở Lý Sơn
Trên cơ sở định hướng chương trình hợp tác, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các địa phương cần phối hợp liên kết để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tổ chức các tour du lịch kết nối với các tuyến, điểm du lịch phục vụ khách tham quan. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về quy hoạch phát triển môi trường du lịch, các dự án đầu tư, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư; giới thiệu cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khảo sát, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách, dịch vụ du lịch,...
Trong thời gian đến, việc liên kết với các địa phương trong vùng thuận lợi sẽ mở rộng ra các thị trường Lào - Campuchia thông qua các tỉnh Tây Nguyên cũng là những mục tiêu cho sự phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Minh Tuấn
Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 17/11/2024