Thực phẩm tái chế ? Sản phẩm của tương lai

Trong khuôn khổ dự án Shinhan Square Bridge Việt Nam và chuỗi hoạt động của Làng Sáng tạo Mở xã hội thuộc TechFest Việt Nam 2023, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Vietnam phối hợp với Công ty khởi nghiệp RE:harvert tổ chức chuỗi toạ đàm “Thực phẩm tái chế? Sản phẩm của tương lai” cho học sinh và thanh niên.

 

 

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 20/4 và Ngày Trái Đất 22/4. Hai sự kiện có sự tham gia của hơn 120 trẻ em và thanh thiếu niên quan tâm đến thực phẩm tái chế, bảo vệ môi trường.

Tại chuỗi tọa đàm, các em được lắng nghe bài giảng do ông Alex Min – CEO Công ty RE:harvest trực tiếp giảng dạy và trải nghiệm, tìm hiểu về các sản phẩm thực phẩm tái chế giàu dinh dưỡng do RE:harvest sản xuất.

Chia sẻ về thực phẩm tái chế, ông Min cho biết:

“Thành lập từ năm 2019, RE:harvest đã gặt hái được rất nhiều chứng nhận quốc tế uy tín và tự hào là một trong những doanh nghiệp tái chế thực phẩm đầu tiên tại Hàn Quốc. Nhận thức được lãng phí thực phẩm là một trong những thách thức chính mà nhân loại đang phải đối mặt do sự tăng trưởng dân số và công nghiệp hóa mở rộng, RE:harvest tập trung giải bài toán tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc tái chế các phụ phẩm bị vứt đi.

Đến nay, loại bột RE:nergy do công ty tái chế nâng cấp và sản xuất đã được chứng minh có hàm lượng dinh dưỡng cao với lượng protein gấp 2 lần và chất xơ gấp 11 lần, giá cả cạnh tranh, nguồn gốc an toàn và thân thiện với môi trường. Sản phẩm RE:nergy Protein Bar (thanh năng lượng) và Protein Ball (viên protein) được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn mạnh trên thị trường”.

Ngoài những giá trị dinh dưỡng và kinh doanh bột RE:nergy mang lại, loại bột này còn là giải pháp thực tiễn hưởng ứng chính sách Net Zero 2030. Chỉ với 1kg RE:nergy đã có thể giảm tới 11kg khí các-bon, 3.7 tấn nước và 3kg nguyên liệu thừa so sánh với quá trình sản xuất bột mì thông thường.

Ông Alex Min - CEO Công ty REharvest

Ông Alex Min - CEO Công ty REharvest

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, chia sẻ:

“Tôi tin rằng thực phẩm tái chế là một cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm, đặt ra nền móng cho kinh tế sinh học tuần hoàn, giúp các tài nguyên được tiêu thụ hiệu quả hơn, thực phẩm được sử dụng bền vững hơn trong chuỗi cung ứng và tác động môi trường do thất thoát và lãng phí thực phẩm sẽ được giảm đáng kế.

Qua chuỗi hoạt động giao lưu tọa đàm giáo dục này, mong rằng các bạn thanh niên và các em học sinh sẽ ý thức hơn về việc tránh lãng phí thực phẩm và quan tâm đến bảo vệ sức khỏe môi trường cho mình và mọi người xung quanh”.

“Được thầy cô giảng dạy về bảo vệ môi trường, chúng em rất quan tâm đến việc thực hành tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên em được nghe đến khái niệm “tái chế nâng cấp thực phẩm”, mang đến những giá trị mới và nổi trội hơn cho phụ phẩm so với tái chế thông thường. Buổi toạ đàm vô cùng thực tiễn, thú vị và bổ ích! Ngoài ra, các sản phẩm tái chế của RE:harvest rất ngon và dễ ăn. Em mong rằng trong tương lai, các sản phẩm này sẽ ngày càng phổ biển hơn nữa để góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác thải thực phẩm”, một học sinh trường THCS Long Thạnh hào hứng phát biểu.

Tái chế thực phẩm (“Food upcycling”) là một bước tiến lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm bằng cách tận dụng toàn bộ tiềm năng của các phụ phẩm thường bị vứt đi hoặc mang giá trị thấp, qua đó, không chỉ kéo dài tuổi thọ của thực phẩm bị loại bỏ mà còn giảm lượng chất thải thực phẩm. Phong trào này, phát triển mạnh mẽ, song song với sự gia tăng trong mối quan tâm của người tiêu dùng đối với tính bền vững và các thương hiệu thực phẩm thân thiện với môi trường, góp phần kiến tạo một nền kinh tế tuần hoàn.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm, khoảng 1,3 tỷ tấn rác thải thực phẩm được sinh ra trong suốt chuỗi cung ứng. Cũng theo các nghiên cứu gần đây, chỉ riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, 5.000 tấn thực phẩm bị đào thải mỗi ngày...

Minh Anh