Khi những tia nắng ấm áp đầu tiên của mùa xuân len lỏi qua những khe đá, cao nguyên đá Hà Giang bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài. Cả một vùng cao nguyên như được khoác lên mình tấm áo mới, rực rỡ và tràn đầy sức sống. Mùa Xuân trên mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc không chỉ là sự thay đổi của thiên nhiên mà còn là dấu hiệu của sự đổi mới và hy vọng, là bức tranh tuyệt đẹp của sự hòa quyện giữa thiên nhiên hùng vĩ và nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng cao.
Thiên nhiên thức giấc
Khi đông qua, cảnh vật trên cao nguyên đá Hà Giang bắt đầu chuyển mình. Mùa xuân trời vẫn còn rét ngọt, những cơn gió thổi ùa qua làm bung mái tóc mang theo mùi nếp mới nhà ai đang đồ xôi. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi dần dần bừng sáng với với màu xanh non của lúa cấy. Từng mầm lúa nhỏ bé vươn mình đón ánh nắng, tạo nên một thảm thực vật xanh mướt trải dài đến tận chân trời. Màu xanh tươi mới tương phản đẹp mắt với màu xám của những vách đá vôi già nua tạo nên bức tranh thiên nhiên độc đáo mà chỉ có ở Hà Giang mới có thể chiêm ngưỡng được.
Xuân Hà Giang hào sảng với lữ khách, chiêu đãi họ bằng những cánh đào tươi thắm. Khác với đào được trồng ở các vườn hoa nơi phố thị, đào Hà Giang mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên, có màu hồng đậm và cánh hoa dày. Sắc hồng của đào làm ấm thêm hồn người dù gió vẫn thổi rít qua tai. Trời có thể còn lạnh nhưng giống đào nơi đây dường như càng lạnh càng thắm. Những cây đào mới hôm qua đang còn khẳng khiu trơ lá trong mùa Đông, thì giờ đây có lộc non xanh mơn mởn, thi nhau nở hoa. Người Hà Giang trồng đào ở khắp mọi nơi, từ ngoài ngỏ, đầu bản đến cuối vườn… ở đâu cũng xuất hiện cành đào trong tầm mắt bà con dân bản. Bởi thế, mỗi khi xuân về, hoa đào bung nở thắm cả đất trời khiến mọi người đều háo hức hân hoan.
Đứng cạnh sắc đào, không kém phần duyên dáng, thậm chí nổi bật hơn, đó là sắc cải. Màu cải vàng trên nền núi đá xám và sắc trời xanh thẳm điểm mây trắng, dường như cũng trở nên ấm hơn. Một mùa Xuân với đủ màu hồng của đào, màu vàng của hoa cải, hứa hẹn sẽ là một năm mới sung túc, ấm no. Không chỉ có cải vàng còn có cải trắng, cải màu tím hồng. Những bông hoa nhỏ nằm trên sườn đồi thoai thoải, đón những tia nắng sớm mai dịu nhẹ, lung linh. Người Hà Giang trồng cải xen những cánh đồng đầy đá, nhìn cây mỏng manh xanh mởn vươn mình trên mảnh đất cằn bên cạnh là đá cứng thật giống hình ảnh những con người lam lũ nơi địa cầu tổ quốc, ngày đêm chịu khó nhọc mưu sinh trên địa hình đầy hiểm trở.
Hoa mận cũng bung xòe báo xuân sang, cả cây trắng muốt tinh khôi như ngậm tuyết. Hoa mận đưa hương khe khẽ lẫn vào mùi xuân của đất trời. Khí trời đã trong, nay còn trong hơn. Chúng như những nhân chứng lặng lẽ của thời gian, trải qua bao mùa gió rét, vẫn kiên cường đứng vững và tiếp tục tỏa hương sắc cho đời. Xen lẫn sắc vàng của cải, hồng của đào, trắng tinh khôi của mận, đỏ rực trời của hoa gạo còn có hoa đỗ quyên với sắc tím mộng mơ ẩn hiện trong những khu rừng già như những nốt nhạc tô điểm cho bản hòa ca của mùa xuân.
Lữ khách đặt chân lên miền núi cao nơi đây cảm nhận được cái “say” vì sương mờ quấn quýt trên đỉnh núi, vì những cung đường uốn lượn, những ngôi nhà có vách đất trình tường màu vàng đất, vì những mảnh khăn, chiếc váy xòe xanh đỏ của những người trỉa bắp thấp thoáng trên triền núi... Và tất nhiên, “say” bởi sự chuyển mình của thiên nhiên cao nguyên đá đang hòa nhịp cùng đất trời, lòng người cũng cảm nhận được “hoa như biết mỉm cười và đá cũng biết gật đầu”.
Sức sống mãnh liệt
Mùa xuân ở Hà Giang không chỉ là sự thay đổi của cỏ cây hoa lá mà còn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người nơi đây. Những mầm xanh nhỏ bé vươn lên từ kẽ đá, những bông hoa đủ sắc màu nở rộ giữa núi rừng hoang sơ, tất cả đều thể hiện ý chí kiên cường và khát khao sống mãnh liệt.
Trên những sườn núi dốc đứng, nơi mà đất đai được coi là cằn cỗi nhất, đồng bào các dân tốc vẫn kiên xường canh tác. Họ tạo nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo triền núi, biến những phiến đá khô cằn thành những ô ruộng xanh mướt. Đây không chỉ là nét đẹp của phong cảnh mà còn là biểu tượng cho sự kiên cường và thông minh của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.
Sự khô cằn và khắc nghiệt của thiên nhiên trên cao nguyên đá đôi khi lại tạo nên những vẻ đẹp lạ kỳ. Những bàn tay lao động cần mẫn của đồng bào dân tộc nơi đây, như vẽ nên một cảnh sắc đẹp lạ lùng mỗi độ đông qua, xuân tới. Giữa thời khắc chuyển giao của đất trời, con người lại càng phấn khởi. Sau một năm làm việc mệt nhọc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cuối cùng cũng được nghỉ ngơi, ăn diện quần áo đẹp đón xuân và mừng năm mới.
Hình ảnh những người phụ nữ H’Mông, Mèo, Dao… đang tỉ mẩn ngồi khâu lại những bộ váy được dệt công phu, đầy sặc sỡ. Trong ánh mắt họ ánh lên những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, hạnh phúc được quyền nghỉ ngơi, hạnh phúc được quyền diện đồ đẹp, hạnh phúc vì được ăn ngon, ăn no hơn những ngày thường. Cái niềm hạnh phúc ấy lan cả sang đám trẻ nhỏ. Nhìn những đứa bé mắt còn non thơ được mẹ địu trên lưng cùng những sắc màu sặc sỡ của bộ đồ đẹp mẹ chúng khoác cho lên người cũng hiểu được dường như mọi người đang vui và chờ đón sự kiện đặc biệt trong năm. Hình ảnh những cô bé, cậu bé người đồng bào khoác trên mình chiếc áo mới sặc sỡ đầy màu sắc, nô đùa vô tư trong cảnh đẹp đến mê hồn nơi địa đầu tổ quốc, hỏi ai không thấy nôn nao chờ xuân về?
Những tiếng hò reo trong nắng nhẹ lướt qua cây đào rừng đang thì bung hoa hồng thắm, những nụ cười hồn nhiên trong trẻo của em bé vùng cao. Cả những hình ảnh của các nam thanh nữ tú tham gia lễ hội mùa xuân. Tiếng khèn vang vọng núi đồi cùng điệu múa say mê của cô gái Mông đã tạo nên một mùa xuân của Hà Giang đẹp tuyệt và đầy màu sắc lễ hội hơn những nơi khác.
Xuân đã về, chợ xuân cũng nhộn nhịp lắm thay. Người ta mang những thành quả lao động trong một năm vất vả, mang ra chợ bán để đổi lấy niềm vui và sự sung túc cho gia đình trong dịp năm mới. Tiếng người nói, tiếng cười đùa, tiếng mặc cả í ới làm nên những buổi chợ phiên mùa xuân đặc sắc của cao nguyên đá Hà Giang.
Hà Giang mùa Xuân tươi thắm những sắc hoa biết cười, để lòng ai nao nao, thương nhớ mảnh đất nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Cao nguyên đá trong những ngày Xuân không đài các kiêu sa, không chăm chút tỉ mẩn mà cứ bình dị và mộc mạc, vẹn nguyên nét đẹp chân phương nhưng không kém phần rực rỡ đầy sức sống, cứ thế đi vào lòng người một cách rất tự nhiên, để trái tim ai cứ thổn thức giai điệu âm vang của núi ngàn, say đắm mãi không thôi.
Thảo Uyên