Báo Vĩnh Long Online - baovinhlong.com.vn - Đăng ngày 07/4/2024
Trong bộ 3 sản phẩm đặc trưng của liên kết du lịch ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, thì Vĩnh Long có yếu thế về địa lý không tiếp giáp các tuyến vùng ven biển và vùng ven biên giới. Do đó, Vĩnh Long cần phát huy tối đa thế mạnh trong trục “xuyên tâm” đồng bằng của tuyến “Những nẻo đường phù sa”, kết nối TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau.
Đất mũi Cà Mau là điểm dừng cuối cùng trong tuyến du lịch “xuyên tâm” đồng bằng - “Những nẻo đường phù sa”
Phát huy văn hóa bản địa
Đây là tuyến truyền thống của các tour về đồng bằng trong nhiều thập kỷ qua, Vĩnh Long đã từng là điểm đến không thể thiếu, đặc biệt dành cho du khách quốc tế từ TP Hồ Chí Minh tham quan tour Mekong Delta. Tuy nhiên, lợi thế truyền thống cũng sẽ mất dần khi đồng bằng mở ra 2 tour tuyến mới dọc theo vùng duyên hải biển Tây và tuyến mậu dịch vùng biên.
Thêm nữa, “truyền thống” nếu không được nâng tầm, làm mới thì sẽ không nắm bắt, đáp ứng nhu cầu mới. Đây cũng là vấn đề mà các nhà quản lý, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch Vĩnh Long đã nhiều trăn trở, nhiều cố gắng, nỗ lực trong nhiều năm qua.
Về tổng thể, ĐBSCL là vùng đất giàu tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên, có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái miệt vườn gắn với cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch gắn với tham quan di tích lịch sử- văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống; du lịch biển đảo chất lượng cao; du lịch MICE… có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP Hồ Chí Minh, các vùng miền trong cả nước.
Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú mang đặc trưng riêng, kết hợp với văn hóa lịch sử địa phương đã tạo nên một nền văn hóa đa bản sắc, đậm chất phương Đông, mang dấu ấn của miền đất và con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng, kết hợp với nền kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển là tiềm năng lớn để tạo nên những tour, tuyến du lịch độc đáo thu hút du khách.
Vĩnh Long khai thác tốt văn hóa bản địa. Trong ảnh: Tour tham quan chợ nổi Trà Ôn
Về mặt này, Vĩnh Long đã chú trọng tăng cường chất văn hóa bản địa vào trong từng sản phẩm, từng tour tuyến trong thời gian qua. Gần đây, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều quan tâm sâu sát, tạo mọi điều kiện cho ngành du lịch quảng bá, tuyên truyền nhiều sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, con người vùng đất Vĩnh Long. Cùng với đó, là những chủ trương định hướng xây dựng những vùng di sản sẽ trở thành đặc sản du lịch về văn hóa trong tương lai.
Liên kết phát triển trong vùng và cả nước
Trong năm 2023, hoạt động liên kết du lịch đồng bằng tiếp tục được triển khai với chính sách kích cầu du lịch hấp dẫn để thúc đẩy mạnh mẽ với dòng khách hai chiều, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch bền vững.
Việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là một trong những chương trình trọng điểm của vùng, đang được triển khai rất hiệu quả, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
TP Hồ Chí Minh phối hợp 13 tỉnh, thành công bố 3 trục tuyến du lịch đặc trưng, gồm: Tuyến “Những nẻo đường phù sa”; Tuyến “Non nước hữu tình”; Tuyến “Sắc màu vùng biên”. Từ 3 trục tuyến này, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng nhiều chương trình du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến vùng ĐBSCL. Đây được xem là bộ sản phẩm đặc trưng, định hướng ĐBSCL khai thác du lịch đa dạng, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Cùng với đó, hoạt động của 2 cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông và phía Tây mang đến nhiều hiệu quả như: tổ chức tham gia gian hàng chung của khu vực, của cụm tại các sự kiện du lịch; tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá chung tại miền Trung, Tây Bắc; phối hợp khảo sát, thẩm định các điểm tiêu biểu ĐBSCL hàng năm; xây dựng các tour, tuyến du lịch tiêu biểu; các hoạt động tích cực hỗ trợ, kết nối với nhau giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài khu vực…
Vượt lên hạn chế về sự trùng lắp sản phẩm giữa các tỉnh có điều kiện tự nhiên tương đồng, ngành du lịch Vĩnh Long đã và đang từng bước khẳng định hình ảnh, vị thế riêng từ giá trị cốt lõi. Đặc trưng tự nhiên vùng sinh thái sông nước miệt vườn cho đến các giá trị văn hóa, nhân văn, những giá trị di sản làng nghề... Đồng thời, tăng cường các giải pháp xây dựng sản phẩm có thể níu giữ chân du khách ở lại lâu hơn trước khi di chuyển sang điểm đến khác.
Du khách tham quan ở điểm du lịch CocoHome
Ngành cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới, khác biệt, mang nét đặc trưng riêng của từng địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, chú trọng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình OCOP (với các sản phẩm du lịch tiêu chuẩn OCOP) theo hướng du lịch xanh, với các loại hình như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch kết nối hợp tác xã- làng nghề,... Tăng cường liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch chuyên đề văn hóa di sản, văn hóa bản địa, du lịch ẩm thực...
Vĩnh Long đang tận dụng và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, nhằm tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
Bài, ảnh: Ngọc Trảng
Báo Vĩnh Long Online - baovinhlong.com.vn - Đăng ngày 07/4/2024