Hòa chung trong không khí vui tươi, nô nức của đồng bào người Chăm theo đạo Bà la môn, Lễ hội Katê tỉnh Ninh Thuận năm 2023 với nhiều hoạt động sôi động tại tháp Pô Klong Garai (Phường Đô Vinh, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).
Nơi lưu dấu văn hóa Chăm cổ
Lễ hội Katê tỉnh Ninh Thuận cũng là một phần của Di sản văn hóa quốc gia - vừa diễn ra từ ngày 14-16/10 tại tháp Pô Klong Garai (Phường Đô Vinh, TP. Phan Rang-Tháp Chàm) và đền Pô-Inư-Nugar (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). Theo tục lệ xưa, cứ đến ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch hàng năm, đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn lại nô nức đón mừng Lễ hội Katê. Tùy theo địa bàn mà nhân dân địa phương thờ phụng và lễ bái những vị vua, vị thần nhiều công đức của đồng bào Chăm. Ơ cụm xã Phước Hậu, Phước Thái thi hành lễ tại tháp Pô Klong Garai thờ Vua Pô Klông Garai; thôn Hữu Đức thi hành lễ tại đền Pô-Inư-Nugar thờ cúng Pô-Inu-Nugar, theo truyền thuyết lưu lại là Bà mẹ xứ sở đầu tiên của dân tộc Chăm…
Sau phần nghi thức cúng tại các đền, tháp, đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn ở Hữu Đức chính thức khai hội Katê. Lễ hội Katê với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì và phát triển trong cộng đồng đã trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Ngày nay, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận là một phần của di sản văn hóa quốc gia Việt Nam; đó là sự đóng góp to lớn của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tạo thêm sắc màu sinh động trong tổng thể văn hóa Việt Nam nói chung.
Giữ gìn và phát huy truyền thống người Chăm
Sau khi tham quan và trải nghiệm Lễ hội Katê tại Tháp Pô Klong Garai, bà Elsa Hart (Missouri – Mỹ) đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Du lịch: “Lễ hội Katê cũng như các lễ hội truyền thống khác của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận với sự kết nối giữa các thế hệ của dân tộc Chăm ở Việt Nam là điều rất đáng quý. Mà ở nước Mỹ, dường như sự kết nối này không còn nhiều nữa. Giữa các thế hệ, người Chăm vẫn bảo lưu truyền thống gia đình, tình thân gia đình Việt Nam cũng rất tốt. Đây là điều đáng quý nhất, đáng trân trọng. Dĩ nhiên, tôi sẽ giới thiệu về Lễ hội Katê của người Chăm với bạn bè thế giới, vì nó rất là tuyệt vời và sự hiếu khách, thân thiện của người dân ở nơi đây. Tôi sẽ quay trở lại Việt Nam và nơi đây, tôi còn mang theo những người bạn ở nước Mỹ đến với Việt Nam, đến tham quan, trải nghiệm du lịch Ninh Thuận”.
Theo Quyền Trưởng Khoa Du lịch - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Phan Thị Ngàn, Lễ hội Katê là lễ hội đặc sắc của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận cần phải gìn giữ và phát huy, khai thác tốt trong việc phát triển du lịch. Ninh Thuận cần gắn những giá trị độc đáo của Lễ hội Katê cũng như các lễ hội truyền thống khác của người Chăm trên toàn địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhằm lan tỏa, quảng bá đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Qua đó, tạo cơ hội để văn hóa Chăm, văn hóa Ninh Thuận và phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận.
“Nhân dịp Lễ hội Katê năm 2023, Khoa Du lịch Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có chuyến nghiên cứu khảo sát thực tế tại khu vực thi hành lễ; đồng thời, ký kết hợp tác với Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ gốm Chăm Bàu Trúc. Theo đó, Khoa Du lịch Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ hỗ trợ tập huấn công tác xúc tiến phát triển du lịch; đào tạo, tập huấn phát triển du lịch cộng đồng cho làng nghề gốm Bàu Trúc. Điều này nhằm góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng, tạo thêm sắc màu sinh động trong tổng thể văn hóa Việt Nam và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương”, TS. Phan Thị Ngàn chia sẻ.
Tháp Pô Klong Garai là di tích kiến trúc nghệ thuật điêu khắc Chăm đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Tháp Pô Klông Garai được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 và đầu thế kỷ 14 để thờ Vua Pô Klông Garai (1151-1205). Vua Pô Klông Garai có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điều ở địa phương. Lễ hội Katê tỉnh Ninh Thuận đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm cũng đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
|
Trần Văn Lợi