“Nắm bắt chính sách visa thông thoáng để tạo đột phá du lịch” là “từ khóa” được nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức sáng nay 15/8. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 61 đầu cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước và 2 đầu cầu tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị được tổ chức ngay tại thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực (từ hôm nay 15/8) với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng, cơ hội của ngành du lịch Việt Nam là rấ lớn trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, theo đó Nghị quyết đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Cùng với đó, đối với mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết cũng xác định rõ và gắn với trách nhiệm, vai trò cụ thể của từng Bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch theo quan điểm tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn”.
Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2/3/2023 về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Đồng thời, ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, theo đó xác định mục tiêu là phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
“Hội nghị này được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung về các văn bản mới của ngành Du lịch hướng tới các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan. Qua đó, nâng cao vai trò, đề cao tính trách nhiệm của toàn ngành trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 07 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7/2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1.04 triệu lượt khách, đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.
Mặc dù vậy, theo nhìn nhận của Cục trưởng Cục DLQGVN Nguyễn Trùng Khánh, phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội. Sản phẩm du lịch còn hạn chế về chất lượng cũng như sự phong phú, đa dạng về loại hình. Bên cạnh đó, tính kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn hạn chế. Việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới, khu vực…
Từ thực tế đó, yêu cầu về hành động quyết liệt nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch là một vấn đề cấp bách. “Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch. Kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành Du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam”, Thứ trưởng Việt nhấn mạnh.
H. Nguyễn
Ảnh: Trần Huấn