Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “đi ngược chiều”, thị trường tài chính nín lặng theo dõi

Các nhà đầu tư đang lo lắng rằng nền kinh tế Trung Quốc gặp khó, cùng với đó là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nhanh khiến lạm phát dai dẳng hơn.

 

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang đi theo hai hướng trái ngược nhau. Nhưng cả hai đều là rủi ro đối với thị trường tài chính.

Các nhà đầu tư đang cảnh giác với tăng trưởng yếu, giảm phát và thị trường bất động sản bấp bênh của Trung Quốc. Nhưng họ không quá đặt nặng đến những vấn đề này.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang do dự trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ mạnh lên một cách bất ngờ. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát.

Chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 1% trong phiên ngày 15/8, kéo dài mức giảm trong tháng lên tới 3%. Sự sụt giảm này đã tạo ra một vết lõm nhỏ trong đà tăng 16% của chỉ số này từ đầu năm tới nay.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “đi ngược chiều”, thị trường tài chính nín lặng theo dõi - Ảnh 1.

Thị trường biến động sau khi dữ liệu chỉ ra một số dấu hiệu yếu của kinh tế Trung Quốc. Quốc gia này đã hạ một số lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, vốn chịu áp lực từ các biện pháp phòng dịch bệnh nghiêm ngặt, sau đó là sự phục hồi không bùng nổ như kỳ vọng và thị trường nhà đất bấp bênh.

Cũng trong ngày 15/8, chính phủ Trung Quốc thông báo ngừng công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Dữ liệu này được dự đoán sẽ lập kỷ lục mới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm là “yếu tố rủi ro” đối với Mỹ. Nhưng những khó khăn và những ảnh hưởng tiềm ẩn không làm thay đổi dự đoán lạc quan của bà đối với nền kinh tế Mỹ.

Một số nhà đầu tư cũng đồng tình với quan điểm của bà Yellen. Họ cho rằng giá cổ phiếu ngày 15/8 giảm phần lớn là do dữ liệu thể hiện khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư lo ngại rằng FED có thể sẽ hành động quyết liệt hơn đối với lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Theo số liệu công bố ngày 15/8, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn dự kiến của các nhà kinh tế. Nhà kinh tế học Oren Klachkin của Oxford Economics viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Mức tăng mạnh mẽ này sẽ khiến các quan chức FED bất an và tăng rủi ro chính sách tiền tệ bị siết chặt hơn nữa”. Biên bản cuộc họp mới nhất của FED sắp được công bố sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về suy tính của các nhà hoạch định chính sách.

Dữ liệu về doanh số bán lẻ đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất trong năm. Đây là yếu tố cốt lõi của mọi thứ, từ lãi suất thế chấp đến cách định giá các công ty.

Nếu tăng trưởng vẫn mạnh và lạm phát chỉ điều chỉnh nhẹ, lãi suất có thể còn tăng cao hơn nữa và duy trì trong thời gian dài hơn.

Lãi suất thế chấp ở Mỹ đang ở mức gần cao nhất trong vòng hơn hai thập kỷ. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng trả nợ của các chủ sở hữu nhà ở và chủ sở hữu bất động sản thương mại. Một số công ty cũng đang phải vật lộn để trả kịp các khoản nợ lãi cao.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “đi ngược chiều”, thị trường tài chính nín lặng theo dõi - Ảnh 2.

Nếu lãi suất cao đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, thì tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc có thể khiến căng thẳng gia tăng.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc yếu đã góp phần đẩy giá trị của đồng USD tăng cao, gây tổn hại đến các nền kinh tế mới nổi vốn dựa vào các mặt hàng nhập khẩu bằng đồng đô la. Điều này cũng khiến giá trị lợi nhuận của các công ty Mỹ ở nước ngoài bị giảm.

Chiến lược gia vĩ mô George Goncalves tại MUFG Securities cho biết nếu đồng USD trở nên quá mạnh trong khi nền kinh tế toàn cầu yếu đi, thì Mỹ sẽ không tránh khỏi bị phản tác dụng.

Một số nhà phân tích kêu gọi thận trọng về việc đọc quá nhiều chuyển động giá trên thị trường gần đây. Tháng 8 thường là tháng giao dịch sôi động, khi nhiều trader đang trong kỳ nghỉ. Thị trường có thể biến động mạnh do khối lượng giao dịch ít hơn. Trong tuần qua, đã có dấu hiệu các nhà đầu tư gia tăng các vị thế phòng ngừa rủi ro nhằm đề phòng sự sụt giảm đột ngột của thị trường chứng khoán.

Theo New York Times