Khám phá di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội giữa lòng TP. Hồ Chí Minh

“Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” và “Văn Miếu - Quốc Tử giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” là chuyên đề trưng bày do UBND TP. Hà Nội phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Khai mạc ngày 23/8, chuyên đề Trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, chia thành 3 nhóm chủ đề. Chủ đề 1: “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại”, giới thiệu dấu mốc quan trọng trở thành di sản thế giới vào năm 2010 của khu di sản và những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh. Theo đó, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã đáp ứng tiêu chí (ii), tiêu chí (iii), tiêu chí (vi) với giá trị nổi bật toàn cầu, thể hiện ở chiều dài lịch sử của một trung tâm quyền lực xuyên suốt hơn một nghìn năm, trong mối giao thoa văn hóa với các nước trên thế giới. Chủ đề 2: “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm”, giới thiệu hệ thống các di tích, di vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long trải qua hơn 1.000 năm lịch sử như Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu…

 
Các đại biểu tham quan trưng bày (ảnh Thiên Ý)

Đặc biệt là bộ sưu tập hiện vật khảo cổ rồng, phượng qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng; trong đó có các hiện vật thể hiện hình tượng rồng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, là những dấu tích minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội và là những giá trị cốt lõi làm nên bề dày lịch sử của khu di sản. Chủ đề 3: “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau”, thể hiện sự trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai, theo mục tiêu định hướng là gìn giữ những giá trị nghìn năm tuổi và chuyển giao di sản cho các thế hệ tương lai. Tiêu biểu là mô hình phục dựng không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê và Lễ Chính đán thời Lê; đồng thời, làm nổi bật hơn một số hiện vật tiêu biểu thông qua ứng dụng công nghệ 3D, QR Code, đem đến cho du khách những hiểu biết đầy đủ hơn về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Bên cạnh đó, trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” giới thiệu quá trình hình thành, phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử giám cùng hành trình học tập của một Nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa. Trưng bày thông qua hàng nghìn tư liệu khoa học, tranh ảnh mang tính điển hình, đem tới những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng tham quan. Qua đó, tôn vinh truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo, tư tưởng trọng dụng hiền tài của dân tộc cũng như các danh nhân văn hóa đã cống hiến tâm sức phụng sự đất nước; góp phần truyền cảm hứng, nhiệt huyết sáng tạo dựng xây cho thế hệ trẻ ngày nay.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, thông qua trưng bày, chúng tôi mong muốn giới thiệu cho khách tham quan và công chúng TP. Hồ Chí Minh những di sản quý giá của Thăng Long - Hà Nội. “Di sản Hoàng thành Thăng Long thâm trầm và cổ kính, minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử giám biểu tượng của tinh hoa đạo học, nơi hun đúc truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Những Di sản Thăng Long - Hà Nội cổ kính và rực rỡ, xứng với tầm vóc của Thủ đô nghìn năm văn hiến, là niềm tự hào cho mỗi người Việt Nam và bạn bè gần xa trên thế giới” – ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh cũng trưng bày Phiên bản Trống đồng Cổ Loa, là món quà tặng ý nghĩa của TP. Hà Nội tặng TP. Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tuấn Sơn