Trà Vinh: Lấy văn hóa Khmer làm đòn bẩy cho du lịch

Với lợi thế về tài nguyên du lịch, có vị trí địa lý nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng đó là tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi để tỉnh Trà Vinh phát triển các loại hình du lịch như tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch miệt vườn sông nước...

 

Hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân dịp Lễ hội Ok Om Bok

Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, tỉnh Trà Vinh đã và đang tập trung tổ chức triển khai thực hiện khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một; xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số cấp phát cho cộng đồng các dân tộc thiểu số; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một như lớp múa Rô băm, múa Chầm riêng chà pây; hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa du lịch để khai thác, xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ phát triển du lịch như bảo dưỡng, sửa chữa Làng bích họa “Không gian ký ức”; bảo dưỡng, sửa chữa bảo tồn ấp văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Khmer tại ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại 59 ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch…

Ngoài ra tỉnh Trà Vinh đã xây dựng Đềán Làng Văn hóa - Du lịch Khmer, theo đó đầu tư phát triển điểm du lịch Ao Bà Om trở thành điểm du lịch cấp Quốc gia của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Trà Vinh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư du lịch tại Nghị quyết số 01/2022/ NQ-HĐND, Quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, trong đó hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng, dịch vụ lưu trú, các nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo nhân sự làm dịch vụ du lịch có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết về địa lý và văn hóa đặc thù của tỉnh (văn hóa dân tộc Khmer) để phục vụ tốt cho hoạt động du lịch.

Cùng với đó, nhà Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer được xây dựng tại khuôn viên Khu di tích Ao Bà Om đi vào hoạt động đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày được hơn 1.000 hiện vật và các điểm di tích trên địa bàn tỉnh đón tiếp hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan và là nơi để giới thiệu đến du khách về đời sống văn hóa của đồng bào Khmer như phong tục truyền thống nghi lễ cưới, nhạc dân gian, ca múa, dàn nhạc Arak, cúng Neak Tà, dàn nhạc ngũ âm sử dụng trong lễ tang và nghi lễ tôn giáo, sân khấu Rô băm, sân khấu Dù Kê.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới tỉnh Trà Vinh cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú; đa dạng hóa các loại hình, ấn phẩm thông tin du lịch.

Chú trọng sử dụng phần mềm, công nghệ số, ứng dụng tiện ích thông minh để tạo nên nhiều sản phẩm dựa trên công nghệ thực tế ảo và các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững; tăng cường nguồn lực bảo tồn, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc của tỉnh trong phát triển du lịch.

Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động du lịch phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng gắn với bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị của di tích, di sản và bảo vệ môi trường; tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa, tổ chức lễ hội; tham gia đầu tư để phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh; chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian tại điểm du lịch; cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch trong công tác định hướng phát triển du lịch theo tiềm năng, thế mạnh từng điểm du lịch hiện có gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số; sự chủ động vào cuộc của chủ thể các điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số trong việc đón tiếp, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào khi có khách đến tham quan du lịch. 

Minh Thu

Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 04/11/2024