"Hành trình theo dấu chân Bác" ở Lào - Thái Lan: Bài 1 - Tìm về mảnh đất nghĩa tình

Chúng tôi rời cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và nhập cảnh vào nước bạn Lào qua cửa khẩu Namphao trên Quốc lộ 8 (huyện Khamkeut, tỉnh Bolikhamxay) để bắt đầu hành trình 5 ngày 4 đêm tới Lào- Thái Lan trong tiết trời lạnh giá của đợt gió mùa mới.

 

 

Sống chậm ở Lào

Đoạn đường giáp biên đầy ổ gà, lắc la lắc lư, mưa bay lất phất. Vượt qua bên kia dãy Trường Sơn hùng vĩ, thời tiết khác hẳn, nắng đổ vàng ruộm trên những ngọn đồi đầy cỏ lau trắng lấp lánh. Tới thị trấn Laksao (huyện Khamkeut, tỉnh Bolikhamxay, miền Trung nước Lào) trời đã về chiều, hoàng hôn buông tím trên hồ thuỷ điện Nậm Thơn I. Những con phố vắng vẻ, sạch sẽ ở thị trấn Laksao khiến người ta có cảm giác được ngay cuộc sống bình yên ở đất nước Triệu Voi này.

So với lần đầu tiên tôi tới Lào, cách đây gần 20 năm, vẫn là cuộc sống của người dân hiền hoà, chậm rãi. Đi cả ngày ở Lào không nghe thấy tiếng còi xe nào, chỉ có tiếng gió thổi vi vu và tiếng hát trầm ấm của người bạn đồng hành. Được mệnh danh là đất nước Triệu Voi - Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa.

Người dân Lào đã hấp thụ, tiếp thu những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình, hết sức độc đáo. Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc Lào rất riêng.

Hơn 80 thành viên đại diện doanh nghiệp du lịch từ hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự đoàn khảo sát “Hành trình theo dấu chân Bác” tới Lào- Thái Lan

Để góp phần thúc đẩy hành lang liên kết du lịch đường bộ giữa 3 quốc gia Việt Nam- Lào và Thái Lan và kích cầu du lịch thời gian tới, Công ty cổ phần lữ hành quốc tế Thái Sơn (Thai Son Travel), Công ty TNHH Công nghệ và Du lịch Phượng Hoàng (Phượng Hoàng Tours) và Công ty cổ phần du lịch ANZ Việt Nam (ANZ Travel & Event) đã tổ chức khảo sát dịch vụ, tuyến điểm ở Lào và Đông Bắc Thái Lan cho lãnh đạo các công ty du lịch đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với hành trình Hà Nội/ Quảng Ninh- Thakhek- Udonthani- Vientiane- Phố Châu- Hà Nội, chủ đề “Hành trình theo dấu chân Bác”, famtrip đã thu hút hơn 80 thành viên tham dự. Famtrip này được tổ chức nhằm giới thiệu tổng quan về tuyến du lịch Lào, Thái đường bộ với điểm nhấn là các di tích lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và hoạt động cách mạng trên đất nước Lào và Thái Lan.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần lữ hành quốc tế Thái Sơn Võ Hồng Sáng nói với chúng tôi: “Điểm đến Lào không thay đổi gì nhiều và đã dần hồi phục sau dịch Covid-19. Trong thời gian qua, hành trình tham quan, khám phá đất nước Lào đang ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách du lịch qua tuyến Quốc lộ 8A. Năm 2018 chúng tôi đã bắt đầu cho ra đời bộ sản phẩm “Let’s go Laos” để thúc đẩy các tour du lịch tới thăm Lào. Đất nước Lào anh em, “núi liền núi, sông liền sông” với Việt Nam có rất nhiều tuyến đường bộ, cặp cửa khẩu thuận tiện giữa 2 nước từ Bắc vào Nam để phát triển mạnh mẽ các hành trình tour đường bộ với chi phí phù hợp. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, lượng khách du lịch lớn tuổi từ Việt Nam đi thăm Lào tăng mạnh với mong muốn cảm nhận những nét văn hoá đặc sắc của đất nước Lào”.

Chương trình “Let’s go Laos” được tổ chức nhằm khảo sát lại một cách tổng thể các dịch vụ, tuyến điểm tại Lào và Đông bắc Thái Lan sau dịch Covid-19

Giám đốc Phượng Hoàng Tours Nguyễn Hoàng Phương khẳng định, nếu xét về chất lượng dịch vụ, cảnh quan và xu hướng mới lạ (hot trend) thì tour đi Lào không thể cạnh tranh nổi với các tour đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… trong khu vực. Tuy nhiên, trong cuộc sống và bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, Lào lại được rất nhiều người lựa chọn vì ở đây người ta được sống chậm, được học cách chữa lành cuộc sống, quan tâm tới nhau, hạnh phúc cảm nhận mọi thứ mà không phải bon chen, ganh đua, tranh giành gì.

Sở dĩ phải làm mới lại, khảo sát các sản phẩm quen thuộc khi tới Lào lần này, ông Nguyễn Hoàng Phương cho rằng, chỉ có không ngừng tìm hiểu và hoàn thiện sản phẩm để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, doanh nghiệp mới có thể thành công và phát triển. Tour Lào khó làm nhưng nếu dịch vụ tốt, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, hiểu biết về điểm đến và giới thiệu được một cách sâu sắc văn hoá Lào, mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Lào thì vẫn rất nhiều du khách muốn tới Lào.

Khách sạn Mekong ở Thakhek phục vụ hoàn toàn theo phong cách người Việt và nằm ở vị trí đẹp nhất của thị xã

Tìm về mảnh đất nghĩa tình Việt- Lào

Tối đầu tiên trên đất Lào, chúng tôi ở khách sạn Mekong (thị xã Thakhek, thuộc tỉnh Khammuane). Đối diện với Thakhek qua con sông Mekong là Nakhon Phanom của đất nước chùa Vàng- Thái Lan. Sông Mekong êm đềm vừa là biên giới giữa tỉnh Khammouane của Lào với tỉnh Nakhonphanom của Thái Lan, vừa là không gian vô cùng thơ mộng với những hàng cây thốt nốt cao vút bên những mái chùa cổ kính.

Từ Thakhek, xuôi xuống phía Nam chừng 30km là cộng đồng người Việt tại Khammouane. Hơn 100 năm trước, một số người Việt Nam đã sang Lào, chọn Khammouane là vùng đất sinh cơ lập nghiệp. Ngôi làng Việt ở bản Xiengvang, huyện Noongbok đã qua nhiều thế hệ nhưng vẫn giữ được nếp sống của người Việt và luôn có ý thức giữ gìn văn hoá Việt. Bà con ở đây kể, trong gia đình mọi người vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt; nghề thủ công mang theo từ quê nhà vẫn được trao truyền cho các thế hệ kế cận…

Buổi sáng bình yên ở Thakhek bên bờ sông Mekong

Hơn 90 năm trước (năm 1928-1929), trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, từ Nakhonphanom (Thái Lan), Bác Hồ đã vượt sông Mekong sang Xiengvang (huyện Nongbok) xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho việc khởi nghĩa giành chính quyền sau này của nhân dân Lào. Đây chính là một “địa chỉ đỏ” luôn gắn kết tình hữu nghị đặc biệt Lào - Việt Nam.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bên dòng Mekong do dân làng Xiengvang tự nguyện hiến đất để xây dựng để tưởng nhớ Người. Từ nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với nhiều đoàn khách tham quan viếng Bác mỗi khi có dịp đến với Khammouane. Sinh sống trên mảnh đất này, người dân Xiengvang luôn tự hào được góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào và không ngừng vun đắp cho mối tình hữu nghị Việt - Lào.  

Tượng đài Liên minh chiến đấu Lào - Việt được xây dựng ngay đầu thị xã Thakhek cùng nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu trong khu lưu niệm Hoàng thân Souphanuvong chính là tình cảm, sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với sự hi sinh xương máu của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh gìn giữ độc lập, tự do của nhân dân Lào.

Ngôi chùa nổi tiếng ở Thakhek- Wat Si Khottabong

Nằm ở vị trí quan trọng trên trục giao thông Bắc - Nam của Lào, qua cửa khẩu Cầu Treo, kết nối với Thái Lan bằng cầu Hữu Nghị và cửa khẩu Lào - Thái 3, tỉnh Khammouane có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển mạnh thương mại dịch vụ. Đây cũng là con đường đưa hàng hoá của Lào đến cảng nước sâu Vũng Áng (Hà Tĩnh), phía Biển Đông cách đó hơn 200km, phân phối qua các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, Trung Quốc.

Lào kỳ vọng, khi dự án đường sắt Vũng Áng (Việt Nam) – Vientiane (Lào) với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD được xây dựng chạy qua Khammouane, đây sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực và hình thành một vùng kinh tế phát triển năng động của Lào.  

Chợ đêm Thakhek nằm bên bờ Mekong- nơi lý tưởng để thưởng thức bia và các món ăn đặc trưng của Lào

Thakhek mang một nét xưa cũ với những công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc. Con đường ven sông Mekong tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, các dịch vụ vui chơi giải trí... không sầm uất, lung linh ánh đèn như Nakhonphanom nhưng khá sôi động.

Khách sạn chúng tôi ở nằm ngay bên cạnh chợ đêm. Đến cả chợ đêm cũng rất theo phong cách Lào, không mở nhạc ầm ĩ, không đèn điện nhấp nháy. Tất cả đều rất vừa phải, yên bình. Khách từ phương xa tới lẫn người dân địa phương ngồi trò chuyện bên ly bia Lào- thứ bia mang hương vị tuyệt vời được tạp chí Time Magazine bình chọn là loại bia ngon nhất châu Á.

Ngoài việc được hòa nhập với cuộc sống của người dân vừa yên bình vừa thanh tịnh nơi đây, khi đến Thakhek, du khách có thể thăm viện bảo tàng Khammaounae, chùa Wat Si Khottabong, động Tham Nang Ene, hồ Khun Kong Leng ... và rất nhiều địa điểm hấp dẫn khác.

(Còn nữa)

Ghi chép của THUÝ HÀ