Ngày 5/11/2023, tại thành phố Lai Châu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lai Châu phối hợp cùng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu”. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.
Tọa đàm được tổ chức ngay sau chương trình Famtrip khảo sát các điểm đến tại Lai Châu diễn ra từ 3-5/11/2023 nhằm đánh giá sản phẩm, khả năng khai thác, phát triển và kết nối sản phẩm du lịch Lai Châu với các địa phương trong nước và các tỉnh Bắc Lào.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết: Lai Châu là miền đất ở ven trời Tây Bắc, có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại với đèo Ô Quy Hồ, những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á như: đỉnh Pu Si Lung 3083m, đinh Pu Ta Leng 3049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử 3046m... với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú trong biển mây bồng bềnh.
Lai Châu có nhiều điểm du lịch nổi tiếng: khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hoá bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (đạt giải bản du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023). Lai Châu còn có truyền thống lịch sử - văn hóa trong suốt chiều dài phát triển của đất nước, nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia đá cổ khắc ghi bài thơ trấn giữ biên cương của Vua Lê Thái Tổ; bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 20 dân tộc cùng sinh sống; là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa và Điện Biên Phủ; con người hiền hòa, thân thiện và hiếu khách…
Với tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu đang được triển khai thi công và chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, cùng với cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, Lai Châu được đánh giá có khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Lai Châu hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, các chuyên gia đánh giá thực trạng du lịch của Lai Châu hiện nay là “thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm”; lượng khách du lịch hàng năm đến Lai Châu chưa nhiều, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch còn thấp so với cả nước, chưa thu hút được thị trường khách du lịch cao cấp…
Chính vì vậy, Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch Lai Châu và Tọa đàm lần này với mong muốn đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu, góp phần tìm giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thu hút lượng khách du lịch về với Lai Châu trong thời gian tới. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết: “Chương trình khảo sát lần này diễn ra tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên mới dừng ở không gian khu vực Đông Nam của tỉnh Lai Châu, chưa mang tính tổng thể cho các phẩm du lịch hiện có trên toàn tỉnh, nhưng đây cũng là cơ hội chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch hiện có, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của các địa phương trong tỉnh”.
Tham gia tọa đàm, các đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý về du lịch, đại diện du lịch đến từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tích cực, tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm khai thác và phát triển sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, dư địa phát triển, góp phần tạo sự đột phá và từng bước chuyển biến căn bản cho du lịch Lai Châu trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp được các chuyên gia và doanh nghiệp góp ý như, cần có chuyên gia, các nhà tư vấn tầm cỡ đưa ra chiến lược, cách làm, các giải pháp sản phẩm từng giai đoạn một phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Lai Châu; cơ chế cho thu hút đầu tư tập trung xây dựng các bản làng du lịch cộng đồng; tập trung phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, ẩm thực truyền thống đặc sắc của Lai Châu, có sự chung tay của người dân địa phương; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng, quy trình nghiệp vụ hướng dẫn, khách sạn, nhà hàng, năng lực phục vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách, đi sâu vào sự chuyên nghiệp để thu hút khách đến lần sau…
Có ý kiến cho rằng, Lai Châu nên đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với tài nguyên sẵn có của địa phương như loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch đường biên, du lịch trekking leo núi… Qua đó, làm rõ nét hơn truyền thông về Lai Châu khác biệt hơn so với các điểm đến khác như “Hãy đến Lai Châu trải nghiệm một lần trong đời!” hay tập trung làm thế nào đáp ứng nhu cầu của khách, đảm bảo an toàn toàn diện cho khách, tạo được cảm xúc riêng có của khách thì khách sẽ tự lan tỏa quảng bá cho du lịch Lai Châu trong một vài năm tới. Một số ý kiến doanh nghiệp lữ hành đến từ miền Nam đề xuất du lịch Lai Châu cần quan phát triển du lịch trách nhiệm và du lịch tái sinh hướng tới du lịch bền vững...
Qua Tọa đàm, đại diện Sở VHTTDL Lai Châu cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến góp phần cho các giải pháp định hướng phát triển du lịch Lai Châu trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải khẳng định, Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình tour và các hoạt động du lịch tại địa phương.
Hoa Trang